Phụ nữ chịu trách nhiệm cho an toàn tình dục Tính dục nữ ở người

Về trách nhiệm đối với hoạt động tình dục an toàn trong các mối quan hệ dị tính, có thể xem xét một khái niệm phổ biến là tình dục an toàn. Người ta đã lập luận rằng có ba khía cạnh trong nhận thức chung về tình dục an toàn: an toàn về mặt cảm xúc (tin tưởng vào bạn tình của mình), an toàn về tâm lý (cảm thấy an toàn) và an toàn về y sinh (ngăn chặn các dịch lỏng có thể gây mang thai hoặc truyền bệnh). Cụm từ "tình dục an toàn" thường được biết đến để chỉ an toàn y sinh.[69]

Kể từ cuộc cách mạng tình dục, các quan chức y tế đã phát động nhiều chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về các nguy cơ đến từ quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ. Mặc dù các mối nguy hiểm của quan hệ tình dục không được bảo vệ bao gồm mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs/STDs), trong đó HIV/AIDS có nguy cơ chết người cao nhất, song việc sử dụng các phương tiện tránh thai (đáng tin cậy nhất là bao cao su) vẫn chưa nhất quán.[70]

Các quan niệm xã hội về tính namtính nữ đóng một vai trò quan trọng trong việc hiểu tại sao phụ nữ thường phải chịu trách nhiệm cho hậu quả của các hành vi tình dục. Thông thường, xã hội tạo ra các chuẩn mực và giả định tình dục khác nhau cho phụ nữ và nam giới, và tính dục nam và nữ thường được coi là đối lập với nhau: ví dụ, phụ nữ thường được dạy rằng họ "không nên mong muốn hoạt động tình dục hoặc cảm thấy hứng thú với nó, hoặc có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân", trong khi nam giới thường được dạy phải “cảm thấy mình có quyền quan hệ tình dục và có khoái cảm, và rằng giá trị bản thân của họ được thể hiện thông qua năng lực tình dục cũng như các quan niệm về quyền lực và sức mạnh".[71] Tương tác tình dục thường diễn ra trong những hoàn cảnh cơ cấu không bình đẳng mà ở đó có sự mất cân bằng quyền lực giữa nam và nữ.[71][72] Các nhà nữ quyền, chẳng hạn như Catharine Mackinnon, đã tuyên bố rằng không nên bỏ qua sự bất bình đẳng mà trong đó quan hệ tình dục khác giới diễn ra và sự bất bình đẳng đó nên đóng một vai trò quan trọng trong vận động chính sách; Mackinnon đã lập luận: "Giả định ở đây là phụ nữ có thể bất bình đẳng với nam giới về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị và tôn giáo, nhưng thời điểm họ có quan hệ tình dục, họ trở nên tự do và bình đẳng. Đó là giả định - và tôi nghĩ chúng ta nên suy nghĩ về nó, cụ thể là ý nghĩa của sự đồng thuận lúc này sẽ là gì.”[73]

Quan niệm xã hội về tính nam có thể cho rằng đàn ông luôn quan tâm đến tình dục và rằng một khi đàn ông được kích thích tình dục, họ phải được thỏa mãn thông qua cực khoái.[74] Xu thế này gắn liền với bản dạng giới nam, và một khi nó đã lên đà phát triển, rất khó để người ta có thể dừng lại và nghĩ khác đi.[75] Quan niệm xã hội về tính nữ có thể hàm ý sự thụ động, điều này đã ảnh hưởng đến tầm quan trọng văn hóa của ham muốn phụ nữ. Đây là một yếu tố góp phần vào việc phần lớn ham muốn tình dục của phụ nữ bị bỏ qua; bởi vì nam giới được coi là không thể kiểm soát ham muốn tình dục của họ, trách nhiệm của việc sử dụng bao cao su nay nằm ở người phụ nữ. Một số học giả cho rằng một yếu tố dẫn đến việc phân chia trách nhiệm đối với các yếu tố tình dục an toàn là đặc quyền trong ham muốn của nam giới ở văn hóa phương Tây, được chỉ ra trong niềm tin phổ biến rằng trải nghiệm tình dục của phụ nữ không bị ảnh hưởng xấu bởi việc sử dụng bao cao su nhưng trải nghiệm của nam giới bị giảm đi khi có rào cản này.[76] Những học giả trên tin rằng điều này hàm chứa nhiều vấn đề, vì việc sử dụng bao cao su có liên quan tượng trưng đến quan hệ tình dục phóng đãng và thói lăng nhăng, điều này đi ngược lại các chuẩn mực xã hội về tính nữ.[77] Mối liên quan trên được cho là không thể bị đánh giá thấp vì "việc ngừng sử dụng bao cao su trở thành một phép thử hoặc một dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của một mối quan hệ ràng buộc và duy nhất", và thể hiện sự tin tưởng.[69]

Những người khác suy đoán rằng trách nhiệm sử dụng bao cao su được đặt lên phụ nữ không phải do xã hội, mà thay vào đó là do những hậu quả khả dĩ của việc quan hệ tình dục không an toàn đối với phụ nữ thường nghiêm trọng hơn là với nam giới (mang thai, khả năng lây truyền bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cao hơn, v.v...). Các bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn, chẳng hạn như bệnh chlamydia và bệnh lậu, cho thấy tỷ lệ mắc ở phụ nữ có thể cao gấp ba lần so với nam giới ở các khu vực có tỷ lệ nhiễm cao của Hoa Kỳ, và 1/4 số ca mang thai ở các nước đang phát triển và một nửa số ca mang thai ở Hoa Kỳ là ngoài ý muốn.[78]

Một quan niệm xã hội khác về tình dục là sự bắt buộc giao cấu (coital imperative). Sự bắt buộc giao cấu là quan niệm rằng để có thể thật sự quan hệ tình dục, dương vật phải giao hợp với âm đạo. Đối với nhiều phụ nữ, điều này thường hạn chế các khả năng tình dục[14][18][56] và bao cao su được coi là biểu tượng của việc chấm dứt trải nghiệm tình dục. Việc số đông chấp nhận rằng sự thâm nhập của dương vật-âm đạo là trọng tâm trong một mối quan hệ tình dục được củng cố bởi sự tập trung vào việc sử dụng bao cao su.[79] Những quan niệm trên, ham muốn tình dục của nam giới và mệnh lệnh giao cấu, cùng với quan niệm xã hội về tính nữ, có thể dẫn đến sự mất cân bằng quyền lực trong việc đưa ra quyết định sử dụng bao cao su.[80]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tính dục nữ ở người http://www.cbsnews.com/news/surprise-finding-in-re... http://www.mayoclinic.com/health/anorgasmia/DS0105... http://www.merriam-webster.com/dictionary/honor+ki... http://dictionary.reference.com/browse/chastity+be... http://dictionary.reference.com/browse/honor+killi... http://www.scandalouswomen.com/?p=4076 http://www.seedmagazine.com http://www.seedmagazine.com/news/2005/10/girls_gon... http://www.seedmagazine.com/news/2005/10/girls_gon... http://sfgate.com/cgi-bin/article.cgi?f=/c/a/2002/...